Những miền ẩm thực độc đáo
Tây Bắc là địa bàn có nhiều địa điểm phát triển du lịch cộng đồng, nơi đây hội tụ, bảo tồn và lưu giữ tinh hoa những giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc. Điển hình như các phong tục tập quán, lễ hội, nghệ thuật trang trí, ẩm thực, các nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng như lễ hội ngày xuân, văn hóa chợ phiên, cưới hỏi, tang ma, lễ mừng cơm mới, lễ cúng rừng… Trong các nét văn hóa đó, ẩm thực truyền thống gắn với văn hóa bản địa của từng dân tộc đã và đang được đồng bào gìn giữ, truyền lại và phát huy trong đời sống văn hóa cũng như phát triển du lịch cộng đồng trong mỗi làng bản, góp phần quan trọng làm nên bản sắc của mỗi điểm du lịch.
Tại các địa phương như Sơn La, Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Lạng Sơn, Hòa Bình, Điện Biên… có rất nhiều vùng phát triển du lịch cộng đồng như Tà Xùa, Mộc Châu, Bản Lác, Nghĩa Lộ, Tú Lệ, Mù Cang Chải, Y Tý, Bắc Hà, Trạm Tấu, Mường Lò, Sìn Hồ.... Tại đó, ngoài những tiềm năng sẵn có để phát triển du lịch như cảnh quan, nhà sàn, sinh thái, phong tục tập quán thì ẩm thực truyền thống luôn hiện diện trong các mâm cơm phục vụ du khách khi dừng chân ở các bản làng. Với phương châm làm du lịch từ phát huy những giá trị văn hóa truyền thống để tạo nên bản sắc, đồng bào các dân tộc như Tày, Mông, Dao, Thái, Hà Nhì… luôn chế biến các món ăn truyền thống của dân tộc mình để phục vụ nhu cầu tìm hiểu những sự mới lạ về ẩm thực của du khách.
Nghệ nhân ưu tú Ma Thanh Sợi (Bảo Yên, Lào Cai) cho biết: “Văn hóa ẩm thực là một phần quan trọng không thể thiếu trong văn hóa truyền thống của các dân tộc. Nếu biết gìn giữ và phát huy, ẩm thực sẽ góp phần đắc lực cho phát triển du lịch cộng đồng”.
Gìn giữ và phát huy
Để có những mâm cơm mang đậm màu sắc và dư vị truyền thống, tại các bản làng, đồng bào các dân tộc đã tự tay mình tìm kiếm những nguyên liệu có sẵn trên rừng, trong vườn nhà để chế biến món ăn chứ không mua những nguyên liệu bên ngoài. Mùa nào thức đấy, các nguyên liệu dùng để làm nên các món luôn tươi ngon và đậm đà dư vị như măng rừng, cá suối, thịt lợn sấy, xôi lá màu, các loại bánh, rau rừng hái bên ven suối… Sau khi đã có nguyên liệu, đồng bào tự tay mình chế biến món ăn theo những công thức truyền thống. Để có được những món ăn lạ miệng, người chế biến đã sử dụng kết hợp các loại gia vị trên rừng như hạt dổi, mắc khén, tiêu, ớt, các loại lá thơm và sáng tạo trong cách chế biến.
Chị Lò Thị Mếch, dân tộc Thái, chủ homestay ở Bản Lác (Mai Châu, Hòa Bình) chia sẻ: “Ngoài phục vụ nơi nghỉ trên không gian nhà sàn, gia đình tôi còn chế biến các món ăn bản địa như cơm lam, cá nướng, rau măng rừng để đáp ứng nhu cầu khám phá ẩm thực của du khách”.
Viết bình luận
Bình luận
dsadsa
18/10/2022 dsadsa